Gần đây, trên mạng chuyển tải clip hình ảnh một người mặc đồ giống "nhà sư" ôm cô gái hát bài “Chim trắng mồ côi” trong một lễ cưới. Dĩ nhiên đây là hình ảnh phản cảm liên quan đến tôn giáo, nhưng kẻ mặc áo tôn giáo không cảm thấy phản cảm, ngược lại còn hãnh diện giọng hát và động thái ôm gái giữa đám tiệc.
Chắc chắn đây không phải là một tu sĩ chân chính mà chính là kẻ lạm dụng hình thức tu sĩ để kiếm cơm qua ngày, hoặc kẻ xấu có mục đích giàn dựng để bôi xấu Phật giáo.
Một tu sĩ chân chính không bao giờ xuất hiện giữa đám tiệc linh đình của thế tục, và giới luật tu sĩ càng không cho phép va chạm thân nữ, không đờn ca hát xướng nhạc thế tục. Phật giáo Việt Nam luôn gặp đại nạn do nạn lạm dụng hình thức tu sĩ hoặc một vài tu sĩ mất phẩm chất tạo cho quần chúng cái nhìn mất thiện cảm với đạo Phật.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ban ngành nào chịu trách nhiệm vấn đề nầy? Dĩ nhiên chuyện xảy ra đột xuất không kịp kiểm soát ngăn chặn, nhưng một tuần qua đi, Ban Tăng sự, Ban Pháp chế, Ban Văn hóa …vẫn chưa có tiếng nói chính thức hay công khai vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề. Nghe đâu, đây là gã thầy tụng ở miền quê miền Tây Nam bộ, dù không phải là tu sĩ trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng Ban trị sự Phật giáo địa phương cũng phải có trách nhiệm làm rõ để tránh tai tiếng cho Phật giáo. Ngược lại, nếu là tu sĩ thuộc Giáo hội quản lý, Giáo hội cần xử trị theo Giáo luật.
Quần chúng phật tử quá bức xúc trước hành động vô ý thức đó. Trang mạng “Người Phật Tử” đặt dấu hỏi thật to đối với các vị Hộ Pháp của Phật giáo. Hộ pháp cũng phải chờ Giáo hội
Mong các ban ngành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sớm điều tra xác minh nhân thân kẻ bôi bác Phật giáo mới đủ yếu tố lên tiếng về quan điểm của mình, để Phật giáo Việt Nam không có thêm những tai tiếng mà hầu như không tháng nào không xuất hiện trên các trang mạng hiện nay.
Minh Mẫn - nguoiphattu
13/3/2015
Ghi chú: Bài viết thể hiện góc nhìn, cách hành văn của tác giả, một cư sĩ Phật giáo đang sinh sống tại thành phố Sài Gòn