Hai thành tố văn học bác học và dân gian Viêt Nam phong phú, độc đáo. Văn học bác học tập hợp tinh hoa văn chương qua các thời kỳ, hội tụ trí tuệ tài hoa các nhà văn, nhà thơ ưu tú, tập hợp các pho thi văn lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn, ngôn ngữ VN, hiện thực và mơ ước của con người và xã hội VN.
Để tiếp cận các pho thi văn tinh hoa ấy, học sinh sinh viên ở nhà trường học qua giáo khoa giáo trình, hoặc hấp thụ qua kênh đọc. Văn chương là một trong những điển hình tạo nên tâm hồn dân tộc, nét thẩm mỹ đặc sắc, một nghệ thuật căn bản: nghệ thuật ngôn từ.
Để tiếp cận văn chương bác học phải có căn bản văn hoá nhất định, có học, dù là đọc sách hay học văn ở nhà trường.
Giới bình dân lại có kho tàng văn học truyền miệng hình thành cùng lịch sử, được sáng tác, đúc kết, lưu truyền trong dân gian, thành một bộ phận của văn học, và cũng được tinh lọc vào giáo khoa giáo trình, đưa vào nhà trường.
Tiếp cận văn học dân gian không đòi hỏi tiên quyết về học vấn, người ít học hay mù chữ vẫn thấm nhập hay có đóng góp vào kho tàng văn học dân gian, tính chất này khiến văn học dân gian thấm sâu, tồn tại rộng rãi trong nhân dân không phân giai tầng xã hội, có tác động to lớn trong đời sống tinh thần của người Việt ở bất cứ thời đoạn lịch sử nào, và rõ rệt ở các khúc quanh khủng hoảng, như chiến tranh hay đại dịch bây giờ.
Trong cấu thành văn học dân gian, bên cạnh các cổ tích, hò vè, sáng tác dân gian, bộ phận thành ngữ_ tục ngữ_ ca dao đóng vai trò lớn cả về lượng và chất, về vẻ đẹp ngôn ngữ, kết cấu ngữ pháp, giá trị nội dung, hay nói khác: cả giá trị triết lý & nghệ thuật.
Một trong những nội dung của thành ngữ, tục ngữ, ca dao là giáo dục lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, răn dạy đạo làm người, bồi đắp nhân văn, kêu gọi chia sẻ tương thân tương ái.
Hãy nghe:
Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng giống nhưng chung một giàn.
Hình tượng giản dị, ngôn ngữ nôm na dễ hiểu, nhưng ý tứ không kém phần sâu sắc giáo dục về nghĩa đồng bào.
Chỉ cần học lỏm hai ba chữ cũng khó quên tục ngữ “ một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, hay “ một miếng khi đói bằng một gói khi no” hoặc “ lá lành đùm lá rách”.... Từng giọt ngôn từ giáo huấn đạo đức cô đọng, khó quên.
Xã hội phát triển đến đâu, giáo dục phổ cập đến đâu cũng có nhiều người không được học, hay không học đến nơi đến chốn, không qua tú tài hay chạm giảng đường. Song, dòng chảy âm thầm văn học dân gian giáo huấn hiệu quả, xây dựng đạo đức cộng đồng, kết dính tình chòm xóm, đồng bào chung sống hoà thuận tương thân tương ái. Khi có thiện tai địch hoạ, từng đoàn xe cứu trợ lấp lánh băng rôn, có khi nắn nót ca dao tục ngữ làm phương châm hành thiện, thay cho các khẩu hiệu, thiệt hay.
Không cần học cao hiểu rộng, dăm ba câu ca dao tục ngữ thành ngữ đã khiến hành xử có đạo lý, thấm tình người.
Covid 19 khiến tình cảnh đồng bào nhiều nơi rơi vào khốn quẩn, nghèo lại nghèo khó hơn, tương thân tương ái diễn ra và theo góc nhìn nào đấy là thể hiện đạo đức vốn kết tập sâu sắc trong kho tàng văn học dân gian của ông cha để lại mà bất kỳ người Việt nào cũng ít nhiều thấm nhuần một cách tự nhiên.
Người Việt mình vậy, từ nghìn xưa...
Nguyễn Thành Công