Theo Chương trình Hội thảo, sáng ngày 18/10/2017, quý đại biểu gồm Chư tôn đức, các nhà nghiên cứu, học giả ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam khởi hành từ chùa Xá Lợi (Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam) về chùa Viên Minh trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Bến Tre (số 1, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tp.Bến Tre).
Phiên khai mạc kết thúc, hội thảo chuyển sang các chuyên đề với 3 nhóm đề tài: 1. Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam; 2. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam; 3. Truyền thống lịch sử, văn hóa và Phật giáo ở Bến Tre.
Cụ thể, chủ đề 1 diễn tại hội trường lớn, chủ tọa điều phối là HT.Thích Nhựt Tấn, TT.TS.Thích Đồng Bổn,TS.Nguyễn Quốc Tuấn; chủ đề 2 tại hội trường nhỏ, chủ tọa điều phối gồm PGS.TS.Chu Văn Tuấn, PGS.TS.Trần Hồng Liên, PGS.TS.Lê Cung; chủ đề 3 tại hội trường lớn, chủ tọa điều phối là TS.Nguyễn Đại Đồng, TS.Nguyễn Hữu Nguyên, ông Nguyễn Quang Trị.
Tất cả chủ đề trên sẽ được các Giáo sư Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu tiếp tục thảo luận làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp chấn hưng Phật giáo Việt Nam của Tổ Khánh Hòa, trong sáng và chiều nay.
Nhân dịp này, BTC đã trưng bày phòng triển lãm gồm các hình ảnh, kỷ vật, tài liệu liên quan đến Tổ Khánh Hòa và phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, truyền thống lịch sử, văn hóa Phật giáo Bến Tre.
Vài nét về Tổ Tổ Khánh Hòa là một trong những vị tiên phong có công nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Miền Nam. Từ những năm 20 của thế kỷ trước, Tổ Khánh Hòa đã kêu gọi thành lập trường Phật học mà chùa Tuyên Linh là một trong những nơi đào tạo Tăng tài lúc bấy giờ, cùng với các cơ sở Phật học gia giáo: chùa Phi Lai của Tổ Chí Thiền (Châu Đốc), chùa Kim Huê, chùa Vạn An (Sa Đéc), chùa Long An của Tổ Khánh Anh (Trà Ôn). Tổ Khánh Hòa thường đảnh lễ và kêu gọi chư sơn Tăng đồ chấn hưng Phật giáo. Chủ trương của Tổ là: 1. Phải kết hợp các bậc Tăng tài để cộng tác. 2. Phải cất nhà thư xã, thỉnh 3 Tạng kinh để làm tài liệu nghiên cứu, phiên dịch ra Việt văn để phổ biến ra thập phương bá tánh. 3. Yếu tố chính là tài chánh để giải quyết mọi việc, đồng thời lập gấp trường Phật học để đào tạo Tăng tài. Tổ đã vận động và trực tiếp thành lập các cơ sở Phật học đường: Tuyên Linh, Thích học đường, Lưỡng Xuyên, Liên đoàn học xã, Phật học đường Vĩnh Bửu cho Ni giới. Ngoài chủ trương thành lập các trường Phật học, thư xã..., Tổ Khánh Hòa còn chủ trương và thành lập các tờ báo, tạp chí Phật giáo: Pháp âm, Phật hóa tân thanh niên, Từ bi âm, Duy tâm Phật học... làm công cụ cho việc vận động chấn hưng Phật giáo giai đoạn đầu và truyền bá giáo lý đạo Phật. |