Bát phong
[Tám ngọn gió đời]
八風
***
Bát phong (八風; P: Aṭṭhalokadhamma; S: Aṣṭalokadharma; E: Eight worldly conditions, Eight worldly concerns) còn gọi là Bát pháp (八法; E: Eight worldly dharmas), Bát thế phong (八世風; E: Eight worldly winds): Là tám ngọn gió, đặc trưng cho 8 pháp thế gian (= tám duyên thế gian) làm tâm loạn động.
Bát phong làm tâm động biểu hiện qua trạng thái tâm mong cầu và lo sợ : được-mất; khen-chê; vinh-nhục; vui-khổ.
1. Được (= Lợi 利; P;S: Lābha; E: Hope for gain), tức lợi ích; khi có lợi ích đối với mình, đều gọi là lợi.
2. Mất (= Suy 衰; P;S: Alābha; E: Fear of loss), tức suy diệt; khi có sự suy tổn đối với mình, đều gọi là suy.
3. Khen (= Dự 譽; P: Pasaṃsā; S: Praśaṃsā; E: Hope for praise), tức khen ngợi, tán thán; nghĩa là khi yêu thích người nào, dù chưa hề gặp mặt, cũng lấy lời lẽ tốt đẹp mà khen ngợi người đó.
4. Chê (= Hủy 毀; P;S: Nindā; E: Fear of blame), tức phỉ báng; nghĩa là khi ghét người nào, thì dùng lời không tốt để nói xấu người đó.
5. Vinh (= Xưng 稱; P: Yasa; S : Yaśa; E: Hope for good reputation), tức xưng dương, nêu cao; nghĩa là khi tôn trọng người nào, thì tán dương người đó trước mọi người.
6. Nhục (= Cơ 譏; P: Ayasa; S: Ayaśa; E: Fear of bad reputation), tức quở trách, chê bai; nghĩa là khi ghét người nào, dù không có chuyện gì, cũng dối chê bai người đó trước mọi người.
7. Vui (= Lạc樂; P;S: Sukha; E: Hope for pleasure), tức vui mừng; nghĩa là nhân gặp duyên hay cảnh tốt, thì thân tâm vui mừng, hoan hỷ.
8. Khổ (= Khổ 苦; P: Dukkha; S: Duḥkha; E: Fear of pain), tức bức bách; nghĩa là nhân gặp duyên hay cảnh không tốt, thì thân tâm phải chịu bức bách, khổ não.
Trong Ngô Sơn Tịnh Đoan Thiền Sư Ngữ Lục (吳山淨端禪師語錄) có đoạn rằng: “Phổ Hóa Hàn Sơn Thập Đắc chi lưu, chỉ yếu đương nhân thời thời tỉnh bộ, bất tùy Bát Phong sở phiêu, hốt nhiên nhất niệm tương ưng, tức thị đáo gia thời tiết * 普化寒山拾得之流、只要當人時時省捕、不隨八風所漂、忽然一念相應、卽是到家時節 * Dòng thiền của Phổ Hóa, Hàn Sơn, Thập Đắc, chỉ cần người ấy luôn luôn tỉnh giác nắm bắt, chẳng bị Tám Gió cuốn theo, đột nhiên một niệm tương ưng, tức là đến lúc về nhà.” – Luôn luôn tỉnh giác nơi đây hàm ý rằng hành giả luôn Chánh niệm “Duyên khởi tính, tức Không tính” thì sẽ dễ dàng vượt lên dính mắc nơi đối đãi.
Tương truyền một hôm Tô Đông Pha (蘇東坡, 1037-1101) là một nhà văn, nhà thơ lỗi lạc đời nhà Tống, sáng tác được một bài thơ và ông rất lấy làm hài lòng bèn cho người vượt sông đem tặng cho thiền sư Phật Ấn (佛印, 1032-1089) đang ngụ tại chùa Kim Sơn là người rất thân thiết và thường trao đổi Phật học với nhau. Nội dung bài thơ như sau:
Khể thủ thiên trung thiên 稽 首 天 中 天
Hào quang chiếu đại thiên 毫 光 照 大 千
Bát phong xuy bất động 八 風 吹 不 動
Đoan tọa tử kim liên 端 坐 紫 金 蓮
Dịch:
Đảnh lễ bậc giác ngộ
Hào quang chiếu vũ trụ
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi vững tòa sen vàng.
Ngài Phật Ấn xem qua bài thơ, thấy chữ nghĩa ý tứ rất hay nhưng ngài chỉ cười nhẹ rồi dùng bút phê vào 2 chữ “Hạ phong 下風”, nghĩa là “đánh rắm”, rồi bảo người đem về cho Tô Đông Pha. Tô Đông Pha xem xong, tức giận vô cùng liền tức tốc xuống thuyền qua sông để “hỏi chuyện” ngài Phật Ấn. Khi thuyền còn chưa cập bờ thì Tô Đông Pha đã thấy ngài Phật Ấn đứng đợi trên bờ với nụ cười trên môi. Tô Đông Pha giận dữ trách hỏi ngài Phật Ấn : “Bài thơ của tôi từ ngôn từ đến ý tứ sai sót chỗ nào sao ngài lại phê 2 chữ “đánh rắm” thế kia ?”. Ngài Phật Ấn cười xuề mà đáp rằng: “Thiền là tám gió thổi không động, thế mà chỉ một cái “trung tiện 中便” đã thổi ngài bay qua sông đến tận đây rồi”. Nghe xong, Tô Đông Pha chợt ngộ !
Hoan nghênh các bạn góp ý trao đổi!