Quang Âm Bồ Tát
Quán Âm!
Trong Lời Phật Dạy Và Khoa Học, Toàn Không viết: Có một lần Phật bảo các Tỳ-kheo: “Âm thanh của ta, các ông, và của mọi người không mất, nó sẽ còn mãi mãi.”
Toàn Không giải thích tiếp, “Ngày nay chúng ta đã giữ được âm thanh, có đài phát thanh, truyền hình, vô tuyến điện thoại, băng, đĩa, CD... Ngoài ra, các nhà khoa học còn cho biết họ đã nhận được nhiều tín hiệu từ rất xa ngoài hành tinh của chúng ta, mặc dù chưa tín hiệu nào được xác nhận chính thức...”
Lời Bàn:
Tóm lại, những làn sóng âm thanh (tiếng động) vượt thời gian và không gian cũng như dòng tâm thức không bao giờ ngừng trôi. Không biết Phật có nói như vậy hay không vì bây giờ trên internet những lời hay ý đẹp đều được Tây Mỹ gán oan cho Phật ”noái” cũng như các Tổ Tàu ngày xưa. Lành thay! Lành thay! Các Tổ Tây Mỹ chỉ gán lời hay ý đẹp cho Phật để cái đám nhân sinh thượng mạng cứng đầu không cãi cọ, phản đối trong lúc nghe đạo pháp hiện đại.
Ngày nay, khoa học còn chứng minh và phân tích được những tầng siêu thanh cao mà lỗ tai của con người không thể nghe được. Đây có thể là thâm ý viên diệu của các Tổ đã quán âm và ngộ được khi ra công án: Tiếng vỗ của một bàn tay! Khi chúng ta ở ngoài khí quyển, trong không gian tịnh tĩnh, như các phi hành gia, chúng ta sẽ nghe được tiếng vỗ của không bàn tay – Quán được vũ trụ âm.
Trong Phật Giáo và Vũ Trụ Quan, Chương 8) Vũ Trụ vạn pháp trong lỗ chân lông, tác giả Lê Huy Trứ viết: Bồ Tát trụ ở Phép giải thoát không thể nghĩ bàn có thể biến tất cả âm thanh trong thế giới mười phương thành tiếng vô thanh của Phật, diễn ra những tiếng vô thường, khổ, không, vô ngã. Một tiếng chuông, tiếng mõ, một tiếng chim kêu, tiếng ngói vỡ, lá trúc reo, tiếng sóng vỗ, hay một tiếng sư tử hống,… ở trần ai đã nói lên tất cả các pháp Phật vô thanh. Tiếng động vô thanh của độc thủ vỗ tay trong Chân Như tịnh tĩnh làm ta bừng tỉnh ngộ.
Quán Quang!
Quyển Đạo Phật và Khoa Học, tác giả Minh-Giác đã khéo nhìn thấy chỗ Kinh nói, trang 149 viết:
- Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, trang 24-27 kể rằng khi đức Phật cho bà Vi-Đề-Hy, chánh hậu của vua Tần-Bà Sa-La coi cảnh cõi nước chư Phật hiện bóng rõ nơi tòa quang minh, rất rõ ràng và nghiêm đẹp... Như vậy chữ hiện bóng, tức là hình ảnh chiếu bóng, hiện lên, và tòa quang minh tức là màn ảnh. Đức Phật bảo bà chọn ’tuồng’ bà ưa thích, thì rõ ràng là xem chiếu bóng (ciné,) chương trình TV, hay một màn ảnh của băng
- Trong Kinh Duy-Ma-Cật, khi Phật bảo Ngài Duy-Ma-Cật thị hiện cõi nước Diệu-Hỷ có Vô-Động Như-Lai, các Bồ-Tát, và đại chúng nước ấy cho đại chúng xem. Ngài Duy-Ma-Cật liền lấy tay phải trấn cõi nước Diệu-Hỷ để vào cõi Ta-Bà, cõi Ta-Bà không thấy chật hẹp, vẫn y nguyên như trước, không tăng không giảm. Qúy vị thấy thần thông của chư Phật và đại Bồ-Tát Duy-Ma-Cật rõ ràng là những máy truyền hình hiện đại. Thí dụ, ta mở máy truyền hình để xem trận đá banh quốc tế có hàng triệu người trên thế giới cùng đang coi trận đấu trên một sân banh rộng lớn đang chứa hàng chục nghìn người coi. Cái sân banh nhỏ bé đó so với cái thế giới này đâu có chèn ép, chật chội gì với vài chục triệu người đang xem TV trên trái đất, dẫu cho cả nước Mỹ hay cả thế giới chiếu lên màn ảnh đó, những quang cảnh vĩ đại đó đem bỏ vào phòng mình đâu có chật hay hoang đường?
Lời Bàn:
Trong Phật Giáo và Vũ Trụ Quan, Chương 8) Vũ Trụ vạn pháp trong lỗ chân lông, tác giả Lê Huy Trứ trích: Khi Đức Phật thành đạo đã nói, "Như Lai thì trái với vọng trần, hiệp với Chơn Tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới cho nên ta mới được tự tại vô ngại. Như Lai ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân Như Lai bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy." (Phỏng theo Kinh Lăng Nghiêm, Phật Học Phổ Thông khóa VI, VII trang 132-133)
Đoạn kinh trên với lối diễn tả đầy phép tắc thần thông huyền bí hơi khó hiểu và không dễ gì tưởng tượng nổi bởi những kẻ phàm phu. Nhưng thật ra Đức Phật muốn nói về cái bản thể của Chơn Tâm có những đặc điểm mầu nhiệm như thế đó. Con người vì vô minh mà đã từ bỏ bản thể mầu nhiệm ấy, để đi vào vòng luân hồi, sanh tử khổ đau. Con người tu hành đạt được đạo quả thì sẽ trở về với Chơn Tâm thường trụ, bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới vì có thân "tự tại, vô ngại" không có gì ngăn cản, vướng mắc. Tâm thức hòa vào viên dung với hư không. Vì không có thân xác nên không bị kiềm hãm gò bó trong thân xác hay nói theo Duy Thức là "cái túi- A Lại Da Thức" đã bị phá vỡ và tâm thức rộng khắp theo cùng Hư Không trong cảnh Đại Viên Cảnh Trí. Tâm thức là tạng minh quang tam muội cùng đốt trong vũ trụ với vô lượng minh quang khác, ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp lại làm nhất thể quang tạng.
Và tại sao lại là, "trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ," hay "trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân?" Điều nầy trong kinh điển có câu "bất khả tư nghì" hay "không thể nghĩ bàn" nhưng ở vào thời đại hiện nay với những kỹ thuật chúng ta có thể dễ hiểu một phần nào, như miêu tả: vũ trụ ở trong TV, trong cái phòng gia đình tụ họp (family room) hàng ngày xem TV hay coi phim ảnh về Trái Đất, Thái Dương Hệ, dải Ngân Hà; rồi cảnh vũ trụ với nhiều hình dáng các Thiên Hà khác được TV hay ciné thu hình cho hình xa dần, xa nhiều và nhiều nữa... Như chúng ta, chúng sinh của Thái Dương Hệ, đang ngồi bên ngoài giống như chư Phật đang dùng Phật nhãn quan sát toàn cảnh trong các cõi khác vậy. Và khi, trên màn ảnh chiếu các Thiên Hà ấy được thu tóm lại trong một bong bóng hình cầu và bóng cầu đó nhỏ dần, nhỏ dần thành một chấm điểm rồi biến mất trên màn ảnh, điều ấy giống như Đức Phật thu nhỏ đi toàn thể thế giới cùng mình đi vào "ngồi trong hạt bụi vi trần" với đầy đủ các cõi nước, và trong đó Đức Phật đang hành đạo: "Chuyển đại pháp luân."
Tại sao như thế? Vì Đức Phật đã được "thân tự tại vô ngại" hòa cùng hư không vô tận, cho nên "không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận." Đó là sự mầu nhiệm hay sự thành đạt của người tu hành đạt được đạo Vô Thượng Bồ Đề." Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy."
Lý Quang Âm này càng dể chứng minh hơn trong vòng vài ba năm nữa khi mà quantum 3-D holographic TV, quantum computer được tung ra thị trường chúng ta sẽ ở trong những trò chơi (games) đó. Lúc đó, chúng ta sẽ nghe thấy như thật, có thể cả luôn ngửi lẫn sờ và nếm được nữa, ‘như thị tri kiến nhưng hữu khả tư nghì,’ chứ không phải ở ngoài quan sát trong nữa.
Bình Luận Bài Viết