Lễ hội chùa Dâu là lễ hội Tứ Pháp của cả vùng Dâu, diễn ra tập trung trong ngày mồng Tám tháng Tư, ngày Phật Đản. Trước, trong và sau ngày đó còn diễn ra nhiều nghi thức khác như Khai hội, rước Tứ Pháp, diễn trò “cướp nước”, và đặc biệt là nghi thức “kể hạnh” về nguồn gốc sự tích Tứ Pháp. Lời kể hạnh đã được tổ chức khắc in từ thời Lê Cảnh Hưng, hiện còn lưu giữ đầy đủ bộ ván khắc trong chùa. Theo lời kể hạnh và các di tích hiện còn, người đời sau có thể biết tường tận nguồn gốc Tứ Pháp.
Về thời gian, xác định Tứ Pháp xuất hiện vào thời Sĩ Nhiếp cai trị (187-226). Bấy giờ có sư Khâu đà la sang truyền giáo. Thầy nhận cô gái Man Nương, con ông bà Tu Định làng Mãn Xá làm đệ tử. Thầy trò lên núi Phật Tích dựng am Mả Mang tu hành. Một lần thầy vô tình bước qua người Man Nương khiến nàng mang thái. Sau khi sinh nở, ông bà Tu Định mang đứa trẻ trả thầy. Thầy đặt vào trong cây dung thụ. Đêm ấy trời nổi gió to mưa lớn, cây dung thụ bật gốc bị nước đẩy xuống sông trôi về bến Gạo trên sông Dâu, trước Vọng Giang Lâu thành Luy Lâu. Đến đây cây dung thụ bị nước cuộn vào bến không trôi đi nữa. Sĩ Nhiếp sai quân lính đến kéo cây lên bờ dự định làm cung điện. Nhưng lạ thay, quân lính không thể nào kéo nổi. Bấy giờ nàng Man nương ra bến giặt quần áo. Lập tức cây trôi đến quẩn quanh nàng. Nàng liền khấn: “Có phải con ta thì đến với mẹ”. Cây liền trôi áp sát bến nơi nàng đang đứng. Nàng liền cởi dải yếm tung vào cây và kéo ngay lên bờ trước sự kinh ngạc của mọi người.
Đêm ấy Sĩ Nhiếp được thần nhân báo mộng phải dùng cây dung thụ vào việc tạc tượng Mây, Mưa, Sấm, Chớp cứu dân độ thế. Ngài bèn thôi ý định làm cung điện và tuyển thợ giỏi đến làm tượng. Cánh thợ Đào Hoàng, Đào Lượng được nhận vào làm. Khi cắt gỗ thấy có một tảng đá lăn xuống sông. Nàng Man Nương tới tìm thì đá nhảy ngay vào lòng. Đó là đá Thạch Quang, hiện thân của con gái nàng, nay được đặt trong chùa Dâu. Cánh thợ làm nhiều ngày trên bãi đất rộng trong thành Luy Lâu. Dăm bào, mảnh gỗ bay khắp bãi. Bốn pho tượng dần hình thành. Pho thứ nhất đặt tên là Pháp Vân, đặt ở chùa Dâu (dân gian gọi là bà Dâu). Pho thứ hai đặt tên là Pháp Vũ, đặt ở chùa Đậu (dân gian gọi là bà Đậu). Pho thứ ba đặt tên là Pháp Lôi, đặt ở chùa Tương (dân gian gọi là bà Tướng). Pho thứ tư đặt tên là Pháp Điện, đặt ở chùa Dàn (dân gian gọi là bà Dàn). Theo sự tích phật Pháp Vân chùa Keo (bà Út) thì khúc gỗ thứ năm gần ngọn được cánh thợ Đào Hoàng, Đào Lượng tạc thêm pho tượng Pháp Vân nhỏ hơn pho ban đầu cho đủ vòng ngũ sinh (sinh, trưởng, lão, tử, sinh). Bãi đất công trường tạc tượng sau được gọi là bãi Dăm để ghi nhớ sự kiện này. Bãi Dăm hiện được xác định ở khoảng giữa đền Lũng và chùa Tướng trong nội thành Luy Lâu.
Thời xưa, hội Tứ Pháp tập trung ở chùa Dâu nhưng liên quan tới các di tích chùa Phúc Nghiêm làng Mãn Xá (chùa Phật Mẫu), đền Lũng thờ Sĩ Nhiếp, chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn. Riêng chùa Keo chỉ có nghi thức thờ vọng. Ngày hội người ta tổ chức “chạy ngựa” vào đến chùa Thầm (khoảng nửa đường đến chùa Dâu) hỏi thăm có mở hội Dâu không rồi trở về. Tương truyền, thời xưa bà Út có rước vào dự hội, nhưng do bà nghịch quá nên phải “nói dối” không mở hội để bà không vào nữa. Mở đầu hội, người ta rước các bà về chùa Dâu “công đồng”. Sau đó rước kiệu Sĩ Nhiếp và Ngọc Tiên công chúa (con gái Sĩ Nhiếp) về chùa làm thủ tục “khai hội”. Rồi rước sang chùa Tổ “vái Mẫu”. Sự linh ứng của hệ thờ Tứ Pháp được các triều đại tin tưởng. Thời Tùy đã ban cho chùa Dâu xá lị Phật tổ làm vật báu trấn chùa. Thời Lý vua đích thân tới chùa nhiều lần cầu mưa, cầu tự.
Hệ thờ Tứ Pháp là sự kết hợp giữa tín ngưỡng bản địa với tín ngưỡng Phật giáo cầu mưa. Hệ thờ này còn được nhân ra nhiều nơi khác, nhưng không đầy đủ như hội gốc vùng Dâu. Đặc biệt, nghi thức lễ hội Tứ Pháp trở thành mẫu mực cho các lễ hội dân gian ở khắp các miền quê khác.