Theo đó, Chương trình nghệ thuật, Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm sẽ được tổ chức vào ngày 20.3.2016 (tức ngày 12/2 Bính Thân) với chủ đề: “Vĩnh Nghiêm - Linh thiêng cõi Phật”.
Di tích chùa Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời, được xem như là trường Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam gắn với dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử danh tiếng. Trước cửa Tam Bảo chùa hiện còn tấm bia lục năng dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606) khắc ghi: "Vĩnh Nghiêm không chỉ là ngôi chùa mà còn là một danh lam xây dựng giữa một khu cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng, điệp điệp vây quanh thành hình cái nong. Chùa ở chỗ hai, ba con sông, sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Đây là một danh lam đứng đầu thiên hạ”.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới.
Chùa Vĩnh Nghiêm là công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt, đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc nghệ thuật Việt Nam:Chùa có bố cục mặt bằng kiến trúc nằm dọc theo trục Nam Bắc đăng đối, hài hòa, ngoảnh hướng Đông Nam. Gồm các khối kiến trúc: Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà in Kinh…
Mặc dù trải qua 14 lần đại trùng tu, song chùa cơ bản vẫn giữ được kiến trúc gỗ truyền thống mang phong cách nghệ thuật đan xen của hai thời đại nối tiếp nhau từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn.
Chùa Vĩnh Nghiêm còn bảo lưu kho mộc bản quý giá với 3050 ván khắc kinh ngày 16.5.2012 đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo các nguồn tư liệu như bia ký, thư tịch thì chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng từ thời Lý với tên gọi chùa Chúc Thánh (hay Chúc Thánh thiền tự), dân gian quen gọi là chùa La hay chùa Đức La. Đến đời Trần, chùa Vĩnh Nghiêm phát triển thành một trong bốn trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm (gồm Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm và Thanh Mai), trở thành một Trung tâm Phật giáo để đào luyện tăng ni cả nước trong suốt gần 8 thế kỷ hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm được các nhà nghiên cứu coi là “Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đại thừa”.
Với những giá trị tiêu biểu nổi bật, ngày 23.12.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2367/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 6) cho 11 di tích, trong đó có di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm. Ông Ngô Biên Cương – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: “Đây là dịp vinh danh, góp phần quảng bá giá trị của di tích chùa Vĩnh Nghiêm nói riêng và vùng đất, con người Bắc Giang nói chung. Chùa Vĩnh Nghiêm được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt giúp bổ sung tư liệu cho hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là di sản thế giới”.