Đến nhà tiền Lê, triều đình sử dụng các vị thiền sư - những “trí thức đương thời” giúp việc giữ nước và trị nước. Tuy nhiên đoán biết vận số nhà tiền Lê ngắn ngủi nên những vị thiền sư bằng tài năng của mình đã lặng lẽ kiến tạo một vương triều mới thịnh trị, có nền tảng bền vững. Vị thiền sư lừng danh trực tiếp kiến tạo nên vương triều Lý thịnh trị ấy không ai khác chính là thiền sư Vạn Hạnh.
Dòng thiền nhập thế, tinh thông phong thủy, sấm vĩ
Để hiểu rõ về tầm nhìn xuyên thiên kỷ của thiền sư Vạn Hạnh và đưa ra cách xoay vần thời cuộc, thay đổi triều đại, trước hết ta cần biết được xuất thân và con đường tu đạo của thiền sư. Tìm hiểu về dòng thiền mà sư Vạn Hạnh thọ giới, ta sẽ thấy những hành động mang tính vận hội lớn sau này của thiền sư dựa trên nền tảng kiến thức phong phú và thâm sâu hàng trăm năm của các bậc thiền sư đạt đạo.
Theo sách Thiền uyển tập anh (Anh tú vườn thiền) soạn vào thời Trần thì thiền sư Vạn Hạnh thuộc hệ phái Tỳ ni đa lưu chi hệ thứ 12. Về đặc tính của thiền phái Tỳ ni đa lưu chi, theo nghiên cứu của Nguyễn Lang (thiền sư Thích Nhất Hạnh) cho biết: Hệ phái này bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, Tam Luận và Hoa Nghiêm, có khuynh hướng thiên vọng về Mật Giáo, theo tinh thần bất lập văn tự nhưng vẫn chú trọng nghiên cứu kinh luận, chủ trương thực tại siêu việt không hữu, chú trọng việc truyền thụ tâm ấn, có khuynh hướng nhập thế giúp dân và biết sử dụng các thuật phong thủy sấm vĩ. Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ mà ít chịu ảnh hưởng của phật giáo Trung Hoa, có tính cách dân tộc Việt.
Vào thời nhà Đường, thiền sư Định Không (730-808) thế hệ thứ 8 dòng thiền Tỳ ni đa lưu chi dựng chùa Quỳnh Lâm ở quê mình là hương Diên Uẩn. Trong khi đào đất đắp nền chùa thì bắt gặp một lư hương và 10 cái khánh. Sư sai người đem ra sông rửa. Sơ ý, một cái khánh bị rơi mất. Nhân chuyện đó, sư nghiệm phong thủy và chiết tự mà đổi tên hương thành Cổ Pháp. Thiền sư lại làm bài thơ sấm vĩ rằng: “Đất trình pháp khí; Phẩm chất tinh đồng; Đưa phật pháp đến thuở hưng long; Đặt tên làng là Cổ Pháp; Pháp khí xuất hiện; Mười chiếc chuông đồng; Họ Lý hưng vương; Tam phẩm thành công”. Và ông đã dặn dò đệ tử Thông Thiện giữ gìn cẩn thận “cuộc đất phát đế vương” Cổ Pháp.
Thiền sư Thông Thiện trước sư mất lại trao truyền lời căn dặn cho thiền sư La Quý An (852-936) tiếp tục bảo vệ “cuộc đất” vừa bị Cao Biền (quan nhà Đường) yểm. Vốn Cao Biền là người giỏi phong thủy, khi sang nước ta quan sát đã viết cuốn Địa lý Cao Biền cảo. Biết thế đất Cổ Pháp sẽ phát đế vương, Cao Biền đã cho đào 19 địa điểm để phá. Thiền sư La Quý An đã cho lấp lại. Đồng thời, quyên góp tài sản đúc một tượng Lục Tổ bằng vàng, chôn ở gần tam quan chùa, và dặn đệ tử: “Gặp vua sáng thì trao, gặp chúa tối thì giấu”. Đặc biệt, năm 936, trước khi thị tịch, thiền sư La Quý An tự tay trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để nối long mạch, và dặn đệ tử sau này phải xây nền đắp tháp, nếu cần thì cất giữ tượng vàng Lục Tổ trong tháp đừng để kẻ khác thấy. Trồng xong cây gạo, thiền sư La Quý An để lại lời sấm rằng: “Đại sơn đầu rồng ngẩng; Đuôi cù ẩn Châu minh; Thập bát tử định thành; Bông gạo hiện long hình; Thỏ gà trong tháng chuột; Nhất định thấy trời lên”. Bài sấm này nếu chiết tự sẽ rõ nghĩa bài sấm, nội dung tiên đoán sự thành công lên ngôi của nhà Lý.
Sấm vĩ dựng triều
Thiền sư La Quý An truyền đăng cho Thiền Ông. Thiền Ông đem hết tinh hoa phật pháp tâm ấn cho thiền sư Vạn Hạnh và thiền sư Định Huệ. Sách Thiền uyển tập anh ghi: “Ngoài lúc hầu hạ, sư học tập quên cả mệt mỏi”. Sau khi Thiền Ông viên tịch, thiền sư Vạn Hạnh chuyên tập pháp môn Tổng trì tam ma địa. Tương truyền thời bấy giờ, nhiều lời thiền sư Vạn Hạnh nói ra, thiên hạ đều cho là phù sấm. Đương thời, thiền sư Pháp Thuận (925-990) và thiền sư Vạn Hạnh là hai thiền sư tinh thông độn số. Chính thiền sư Pháp Thuận đã dùng nghệ thuật phù sấm để ổn định triều tiền Lê lúc mời lấy ngôi nhà Đinh. Hai vị thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh được hoàng đế Lê Đại Hành hết lòng tôn kính. Năm Thiên Phúc nguyên niên (980) tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang cướp nước ta, đóng quân tại Cương Giáp (Lạng Sơn). Đáp lại sự lo lắng của vua, thiền sư Vạn Hạnh an nhiên: “Trong vòng 3 tới 7 ngày giặc phải lui”. Sau quả nhiên như thế. Đến khi vua muốn đánh Chiêm thành, việc bàn định chưa dứt khoát, thiền sư Vạn Hạnh tâu: “Xin mau cất binh, nếu không, ắt mất cơ hội”. Vua nghe theo, quả nhiên thắng trận.
Sang thời Lê Ngọa Triều, chính sự bắt đầu rối ren. Vua thi hành chính sách bạo ngược. Biết vận số nhà tiền Lê sắp hết, thiền sư Vạn Hạnh đã nói những loại sấm truyền căn cứ vào những hiện tượng quái lạ. Đó là tại chùa Ứng Thiên Tâm châu Cổ Pháp bỗng xuất hiện con chó lông trắng, trên lưng có hai chữ “thiên tử” lấm tấm lông đen. Dư luận cho rằng: Đó là điềm sẽ có vua sinh năm Tuất và lên ngôi năm Tuất. Điều này sau ứng với vua Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1010. Hiện tượng lạ thứ hai là sét đánh vào cây gạo do thiền sư La Quý An trồng, in thành chữ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại những câu tương truyền do dân làng đọc được như sau: “Gốc cây thăm thẳm; Ngọn cây xanh xanh; Cây hòa đao rụng; Mười tám hạt thành; Cành Đông xuống đất; Cành khác lại sinh; Đông mặt trời mọc; Tây sao ẩn hình; Sáu bảy năm nữa; Thiên hạ thái bình”. Đại Việt sư ký toàn thư viết: Thiền sư Vạn Hạnh tự đoán riêng rằng: Ba chữ “hòa, đao, mộc” gộp lại thành chữ Lê. Lê lạc là Lê mất. Còn ba chữ “thập, bát, tử” gộp lại thành chữ Lý. Lý thành là Lý lên ngôi. Mấy câu này ý nói vua thì non yếu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất. Trong vòng sáu, bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình. Điềm lạ thứ ba là trong chùa Song Lâm con trùng ăn lá si thành hình chữ “Quốc”. Điềm lạ thứ tư là ban đêm bên mộ Hiển khánh đại vương (người thân sinh ra Lý Công Uẩn), người ta nghe thấy tiếng thần nhân ngâm kệ từ bốn phương vọng tới. Các bài kệ đều báo trước điềm Lê diệt, Lý hưng.
Thiền uyển tập anh chép sự việc vào ngày Lê Ngọa triều băng, thì tại chùa Lục Tổ châu Cổ Pháp, thiền sư nói với chú, bác của Lý Công Uẩn rằng: “Thiên tử đã băng, Lý thân vệ hiện đang ở nhà, tay chân họ Lý túc trực trong thành lên tới số ngàn. Trong trưa này, Thân vệ ắt được lên ngôi”. Rồi thiền sư Vạn Hạnh yết bảng ở đường cái nói rằng: “Tật Lê chìm bể Bắc; Hạt Lý mọc trời Nam; Bốn phương gươm giáo dẹp; Tám cõi mừng bình an”. Chú, bác của Lý Công Uẩn sợ quá bèn cho người vào kinh đô Hoa Lư nghe tin, quả nhiên sự việc đúng như vậy.
Sau khi lên ngôi, việc hệ trọng đầu tiên của triều đại mới là dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Qua lời văn “thiên đô” trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, ta có thể thấy được phần nào cái nhìn đầy sâu sắc về phong thủy trong quyết định dời đô: “…thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.
Nói thiền sư Vạn Hạnh chấp bút lời văn thiên đô này thì hơi quá nhưng tư tưởng dời đô của Lý Thái tổ chắc chắn được thừa hưởng từ thiền sư Vạn Hạnh. Truy nguyên về thân thế của Lý Công Uẩn ta sẽ thấy rõ điều đó.
Lý Công Uẩn sinh ra đã không có cha, mẹ lại mất sớm nên phải nương nhờ cửa chùa. Thiền sư Lý Khánh Văn (em ruột thiền sư vạn Hạnh) đã nuôi nấng Lý Công Uẩn. Thiền sư Vạn Hạnh là người trực tiếp truyền dạy phật pháp, võ công cùng tư tưởng của mình cho Lý Công Uẩn tại chùa Lục Tổ, chùa Tiêu... Năm 2010, tại đại hội võ thuật cổ truyền Bình Định, võ sư Trần Duy Linh đã biểu diễn một bài quyền pháp rất ảo diệu gây sự chú ý của giới võ sư cao thủ có tên là U linh thương. Theo lời võ sư thì bài quyền này chính là của vua Lý Thái tổ.
Người “đệ tử” nhỏ Lý Công Uẩn sớm tỏ ra thông tuệ khác thường đã khiến cho thiền sư Vạn Hạnh thấu rõ “thiên cơ”. Thiền sư Vạn Hạnh từng nói với một số thiền sư khác: “đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy, gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”.
Nuôi nấng, đào tạo, lại tiến cử Lý công Uẩn vào triều, thiền sư Vạn Hạnh như thế đã chuẩn bị cho một cuộc “cách mạng lớn” với tầm nhìn xa của mình. Lý Công Uẩn được thăng tới chức Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, là người trực tiếp nắm toàn bộ quân đội bảo vệ kinh thành bên cạnh vua. Biết mệnh nhà Lê chỉ còn dăm ba tháng nữa sẽ hết, lại “đoán” thầy mình nhân cây gạo ở hương Cổ Pháp bị sét đánh mà tung ra bài sấm vĩ nên Tả Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn tới gặp thiền sư Vạn Hạnh tỏ ý e ngại. Thiền sư Vạn Hạnh quả quyết: “Gần đây, tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng Thân Vệ. Là người khoan thứ nhân từ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nắm trong tay. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân Vệ thì còn ai đương nổi nữa...”.
Lên ngôi minh chủ, đức vua Lý Thái Tổ đã theo kế sách của thiền sư Vạn Hạnh khoan thư sức dân, miễn thuế, lập chùa... và đỉnh cao là dời đô về thành Đại La, đổi tên kinh đô là Thăng Long, đổi niên hiệu là Thiên Đức (đức của trời). Và dù nuôi nấng, đích thân đào tạo và gây dựng cho Lý Công Uẩn lên ngôi vua nhưng thiền sư Vạn Hạnh vẫn giữ nếp sống thanh bạch, không màng tới danh lợi. Ông không về kinh mà ẩn tu tại chùa Tiêu. Cơ đồ nhà Lý, sự nghiệp vẻ vang của Đại Việt từ bấy giờ phát triển với tốc độ cao trên mọi phương diện: chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hiến…
Đúc kết công lao dựng nghiệp một vương triều thịnh trị, thật không có lời nào đánh giá vượt qua lời thơ truy tán thiền sư Vạn Hạnh của vua Lý Nhân Tông: “Vạn Hạnh thông ba cõi; Thật hợp lời sấm xưa; Quê hương tên Cổ Pháp; Chống gậy trấn kinh vua”.
Bình Luận Bài Viết