Xã hội loài người, xuyên qua không gian và thời gian, từ khởi nguyên đã đồng hành cùng thiện & ác, đối mặt nan đề thiện ác, đấu tranh bảo vệ đạo đức, đời sống lương thiện, chống cái ác. Thiện ác trở nên phạm trù căn bản và lớn lao của đời sống, thang bậc thiện ác tốt xấu qui định giá trị nhân sinh trong xã hội. Sống lương thiện, hướng thiện là yêu cầu chính yếu của đời người.
Xã hội loài người chống cái ác bằng luật pháp. Sức mạnh tư pháp bao gồm cảnh sát, kiểm sát, toà án (như cách tổ chức của VN ngày nay) là chỗ dựa của xã hội, của công dân để duy trì đời sống an lạc, thiện lương trước cái ác, cái xấu. Xã hội hiện đại, văn minh, ở đâu cũng vậy, khi bị cái ác uy hiếp đe doạ, người ta báo cảnh sát, kiện tại toà hay kêu cứu cơ quan kiểm sát. Theo cách dùng từ của VN bây giờ, đấy là “ cơ chế” của công lý. Ngân sách của mọi quốc gia chi tiêu rất lớn để duy trì sức mạnh ấy, bảo đảm “ cơ chế” ấy có hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng như mọi sự ở đời, sức mạnh tư pháp cũng mang tính tương đối. Ngay ở xã hội phát triển nhất, hệ thống tư pháp hùng mạnh và liêm chính, án oan, lọt sót tội vẫn diễn ra nhức nhối, một tình trạng càng nghiêm trọng hơn ở các xã hội kém phát triển.
Một thuộc tính của luật pháp là sự đi sau, sức mạnh tư pháp diễn ra sau hành vi phạm pháp, khi tội ác đã thành lập; sự ngăn ngừa, phòng vệ trấn áp tội phạm từ xa từ trước rất khó, hiệu quả thấp. Các vụ án hầu như đi cùng tính bất ngờ, cảnh sát tới hiện trường và bắt đầu rượt đuổi tội phạm, hồ sơ tư pháp mở ra, và vụ án có khi kéo dài nhiều chục năm hay thậm chí rơi vào quên lãng, trong khi án mạng thương tật, mất mát ... đã diễn ra. Thuộc tính “ đi sau” là một hạn chế của luật pháp. Và không phải mọi tội ác đều bị trừng phạt, toà án pháp luật cũng có tham nhũng, quan liêu, yếu kém.... Do vậy, công lý cũng mang tính tương đối.
Các xã hội có một “ cơ chế” đi trước cái ác, ngăn chặn từ xa, bằng giáo dục gia đình và học đường, bằng văn hoá, tác động tư tưởng mềm mại sâu sắc, tinh tế.
Còn có một đóng góp quan trọng ngăn chặn cái ác, của tôn giáo, của Phật giáo. Đạo đức Phật giáo thông qua hoàng pháp, hành tập, rất sâu sắc. Bên cạnh mục tiêu rốt ráo giác ngộ tâm linh, Phật giáo có đóng góp hình thành đạo đức xã hội cho tu sĩ phật tử, giáo dục nhân cách, đạo làm người, đào luyện tâm. Nếu cảnh sát và toà thụ lý có điều kiện khi tội đã thành lập, gây tổn thương ở mức độ cụ thể xác định qua giám định chuyên môn, thì với Phật giáo, sự “ chế tài” nghiêm khắc ngay khi khởi tâm niệm ác rất vi tế hay với một hành vi rất nhỏ như tàn hại côn trùng, vốn dưới ngưỡng hoặc không bị xem là tội dưới góc độ hình sự. Phật giáo góp phần cùng giáo dục gia đình, học đường, sức mạnh nội tâm của cá nhân, sức mạnh văn hoá, hình thành “ toà án lương tâm” vô cùng sâu sắc trong mỗi con người. Toà án ấy đi trước ngăn chặn tội, xử lý tội rốt ráo, trừng phạt vô cùng nghiêm khắc, lại tự giác. Một tội phạm nguy hiểm xảo nguyệt có thể qua mặt hệ thống tư pháp chuyên nghiệp, tránh vành móng ngựa của toà, nhưng không thể đánh lừa chính mình, không thể qua mặt toà án lương tâm, bị gay rứt, giằng xé... Không ít trọng phạm khét tiếng ra đầu thú, khai báo, chính do sức mạnh của toà án lương tâm.
Người ta thường nói đến ba toà án trên đời: toà án luật pháp, toà án dư luận, và toà án lương tâm, trong đấy toà ở tâm vô cùng vi tế, hữu hiệu, mạnh mẽ.
Phật giáo có một đóng góp thiết thực như thế cho đời sống nhân sinh, trong nỗ lực tìm và kiến tạo niết bàn trong cõi tục, trước khi nhập niết bàn ở cõi thiêng liêng, chuyển hoá sự sống. Đạo Phật góp phần bảo vệ đời sống thiện lương, chống cái ác từ tâm thức vi tế, trong từng sát na.
Thực đúng câu phật pháp nhiệm mầu, bất khả tư nghị.
Nguyễn Thành Công.
Bình luận
Đào thanh Phúc - 19/03/2025
Bài viết rất hay
Phật tử - 23/04/2025
Bài viết rất hay và ý nghĩa
Bình an - 23/04/2025
Mô phật cầu chúc bình an cho tất cả mọi người