Nguyễn Vương qua tranh của người Pháp
Khi nhắc đến việc Nguyễn Ánh cầu viện nước ngoài trong giai đoạn dấy binh giành lại vương triều, người ta thường chỉ nghĩ đến việc ông giao Hoàng tử Cảnh cho giám mục Bá Đa Lộc mang đi Pháp để tìm kiếm sự giúp đỡ của người Pháp, hoặc lần xin viện binh của vua Xiêm dẫn đến trận thua tan tác ở Rạch Gầm – Xoài Mút đầu năm 1785. Tuy nhiên, ngay từ đầu thế kỷ XIX đã có không ít tài liệu phương Tây cho biết rằng ngoài Xiêm và Pháp, Nguyễn Ánh còn có kế hoạch cầu viện nhiều nước khác, nhưng đều không thành, nhưng tiếc là không thấy tài liệu nào cung cấp manh mối rõ ràng đủ để thuyết phục người đọc. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng làm sáng tỏ những thông tin mà tài liệu phương Tây đã loan truyền về các toan tính cầu viện những nước khác ấy, để mở đầu cho loạt bài xem xét lại vấn đề Nguyễn Ánh có đáng bị xem là cõng rắng cắn gà nhà không, và đâu mới là nguyên nhân chủ yếu khiến Đại Việt ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng. Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi thấy là không thể dựa trên cách phán xét phi thời gian tính, mà cần phải tìm hiểu bối cảnh quốc tế, khu vực và cả hiện trạng nước Đại Việt thế kỷ XVIII, trong đó các cường quốc châu Âu hậm hực nhau để tranh giành thuộc địa và thị trường mua bán. Hy vọng là cách tiếp cận này sẽ giúp độc giả thế kỷ XXI có cái nhìn thỏa đáng hơn về chủ trương cầu viện của Nguyễn Ánh, và ý thức được vị thế mong manh, chông chênh của nước Đại Việt trên bàn cờ quốc tế trong giai đoạn bành trướng mạnh mẽ của những nhà nước thực dân châu Âu.
Nguyễn Ánh và các quần thần của ông đã từng vạch ra nhiều kế hoạch cầu viện nước ngoài mà sách vở từ trước đến nay chỉ nói qua loa, vì một số còn nằm trên bàn giấy, một số khác không thể thực hiện được do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số bị quân Tây Sơn đập tan ngay khi vừa mới bắt đầu. Trong số các lần cầu viện không hiệu quả ấy, nhiều tài liệu cho biết là Nguyễn Ánh đã đặt kỳ vọng vào người Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, và cả nhà Thanh ở Trung Hoa. Ngoài ra, tài liệu còn ghi nhận những trường hợp chiêu mộ người nước ngoài phục vụ cho bộ máy chiến tranh chống quân Tây Sơn, vì dù cho đó là mối quan hệ liên cá nhân, nhưng nó cũng gây ra ít nhiều tác động trong mối bang giao quốc tế.
1.1. Ghi chép của người Việt
Bộ sách Gia Định thông chí gồm 3 quyển là tài liệu đầu tiên do người Việt biên soạn có nhiều phần nói về giai đoạn Nguyễn Ánh giành lại cơ đồ từ tay nhà Tây Sơn. Tài liệu này chỉ đề cập đến việc cầu viện quân Xiêm, mà không nói gì về việc Bá Đa Lộc mang Hoàng tử Cảnh đi cầu viện vua Pháp, cũng như nhiều kế hoạch cầu viện khác.
Hai bộ sách Đại Nam Thực lục và Đại Nam Liệt truyện, tuy có nói về việc cử Bá Đa Lộc mang hoàng tử Cảnh đi Pháp, nhưng cũng chỉ nói sơ lược. Về việc chiêu mộ người nước ngoài, Quốc Sử Quán chỉ nói lướt qua về sự hiện diện của tàu thuyền Tây phương trong chiến dịch tấn công ra miền Trung năm Tân Sửu (1781), và việc Nguyễn Ánh nhờ hai nhà truyền giáo dòng Phan Sinh (Franciscains) đi Lã Tống (Philippines) năm Quý Mão (1783) cầu viện người Tây Ban Nha nhưng không thành (Quốc Sử Quán 1993, tr. 477). Quốc Sử Quán cũng có một lần nhắc đến nước “Bút tu kê” (Bồ Đào Nha), khi nói về thuyền nước này đến tìm Nguyễn Ánh ở Bangkok năm Đinh Mùi (1787), sau khi Bá Đa Lộc buộc lòng phải nhờ đến Bồ Đào Nha vì quá thất vọng về thái độ hững hờ đối với Đàng Trong của quan chức Pháp ở Pondichéry. Nhìn chung, Quốc Sử Quán không cho người đọc cái nhìn khái quát về việc cầu viện nước ngoài, một mặt vì Đại Nam Thực lục được biên soạn theo lối biên niên sử, còn Đại Nam Liệt truyện chủ yếu chỉ ghi chép tóm tắt tiểu sử và hành trạng của các thành viên hoàng tộc, các công thần và nghịch thần. Nhưng mặt khác, quan trọng hơn, là vì thời gian biên soạn diễn ra sau thời kỳ chiến tranh với quân Tây Sơn đến trên dưới 50 năm (Đại Nam Thực lục tiền biên được biên soạn từ năm 1821 đến 1844, và Đại Nam Liệt truyện được biên soạn từ 1852 đến 1889), nhiều quần thần không còn nữa để kể lại những chứng kiến với tư cách “người thật việc thật”. Còn guồng máy triều đình trong giai đoạn đầu cuộc chiến phục quốc dường như chỉ còn hoạt động ở mức tối thiểu là lo cái ăn cái mặc, phương tiện di chuyển và vũ khí để chiến đấu và phòng vệ, nên hoàn toàn không thể tổ chức ghi lại các sử kiện. Hệ quả đương nhiên là Quốc Sử Quán không thể tránh khỏi những thiếu sót, thậm chí sai lầm trong việc tái hiện lịch sử của nhiều thập niên trước(1). Ngoài ra, có thể còn nhiều lý do khác khiến không ít sự kiện rơi vào quên lãng, hoặc chỉ được ghi chép sơ sài, thậm chí sai lệch.
Quốc triều chính biên toát yếu do Cao Xuân Dục chủ trì việc biên soạn năm 1920, cũng chỉ dành vài câu để nói về việc Nguyễn Ánh nhờ Bá Đa Lộc cầu viện nước Pháp: “Ngài sai người mời ông Bách Đa Lộc tại Chân Bôn (tên đất nước Xiêm). Ông là người nước Pháp, thường qua lại giảng đạo ở Chân Lạp, Gia Định; đã vào yết kiến xin hiệu dụng, Ngài lấy lễ khách mà đãi; đến lúc này đòi vào” (Cao Xuân Dục 1998, tr. 17).
1.2. Sách báo phương Tây
Tài liệu được công bố sớm nhất hé lộ sự can thiệp của Anh và Hà Lan vào cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn là bức thư của Bá Đa Lộc đề ngày 20 tháng 3 năm 1785 viết từ Pondichéry gửi về trụ sở Hội Truyền giáo Hải Ngoại ở Paris, và được công bố năm 1787 trong quyển 1 của bộ Nouvelles des missions orientales. Sau khi tường thuật những bước gian truân mà Nguyễn Ánh đã trải qua trước khi giao hoàng tử Cảnh vào cuối năm 1784, Bá Đa Lộc đã lưu ý các chức sắc Hội Truyền giáo ở Paris về viễn cảnh Nguyễn Ánh có thể cầu viện hai đối thủ đáng gờm của người Pháp: “Nếu trong lúc chạy trốn, nhà vua đến nương nhờ người Anh hoặc người Hà Lan, mà họ thì sẽ không bỏ lỡ cơ hội giúp ông phục quốc, các cha sẽ thấy những việc chúng ta đã giúp con ông ấy, dù còn khiêm tốn, nhưng sẽ có ích biết dường bao” (Pigneau de Béhaine P., 1787, tr. 44).
![]() |
![]() |
Tài liệu Nouvelles des Missions Orientales, xuất bản tại Amsterdam năm 1787. | Từ điển Biographie universelle, Q. 34, xuất bản tại Paris năm 1823. |
Ngoài ra, quyển từ điển tiểu sử các nhân vật trên thế giới Biographie universelle, ancienne et moderne do Hiệp hội các văn sĩ và nhà bác học biên soạn năm 1823, đã dành nhiều trang để viết về Pigneau de Béhaine, trong đó có đoạn: “trong cơn tuyệt vọng do những thất bại chua cay gây ra, vị quân vương [Nguyễn Ánh] đã định đi Batavia hay Goa để xin một chỗ nương náo, nếu không nhận được sự cứu viện mà Hà Lan và Hoàng hậu Bồ Đào Nha đã cho người mang đến cho ông” (Société de gens de lettres et de savants 1823, tr. 427).
Batavia (nay là Jakarta) mà tài liệu trên đề cập đến lúc ấy là thuộc địa của Hà Lan ở Indonesia, và Goa là thuộc địa của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ. Việc chọn những nơi ấy làm nơi lánh nạn có nghĩa là muốn nhờ đến sự giúp đỡ về quân sự của hai cường quốc Hà Lan và Bồ Đào Nha để giành lại ngai vàng từ nhà Tây Sơn. Sau đó ít lâu, có một bài viết khác bổ sung thêm Bengal (thuộc Anh) vào danh sách những nơi mà Nguyễn Ánh có ý định cầu viện sau khi quân Xiêm đã thua trận Rạch Gầm – Xoài Mút:
“Vị hoàng thân khốn khổ này ban đầu phải đi lánh nạn ở Xiêm, suýt chút nữa đã trở thành tù binh của vua xứ này. Khi đã rút về một hòn đảo ven bờ biển, ông đã nghĩ đến việc đi Batavia, Goa hay Bengal để xin cầu viện. Các nước Anh, Bồ Đào Nha và Hà Lan vội vã nắm bắt cơ hội này để chen chân vào nội tình nước Việt và để tìm kiếm những đặc quyền thương mại quý báu” (Douhaire P. 1857, tr. 702).
Trong một quyển sách năm 1891, A. Faure cũng nói đến sự giúp đỡ của người Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha và người Tây Ban Nha (Faure A. 1891, tr. 49), nhưng cũng không cho biết cụ thể về sự giúp đỡ ấy như thế nào, nhất là về nguồn gốc của các thông tin này. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của giám mục Bá Đa Lộc, A. Louvet lại nhắc lại: “Người Hà Lan ở Batavia, người Anh ở Ấn Độ, người Bồ Đào Nha ở Malacca(2), người Tây Ban Nha ở Philippines đã từng đề nghị giúp sức cho vị quân vương bị soán ngôi” (Louvet A. 1900, tr. 82).
Nhiều tài liệu được công bố gần đây cũng chỉ có những thông tin sơ lược tương tự, cũng không có tác giả nào cung cấp chứng cứ, khiến người đọc không khỏi băn khoăn về mức độ chính xác của các thông tin ấy. Trong một tài liệu xuất bản năm 2006, W. Wilcox viết:
“để cải thiện tình hình tuyệt vọng về viện binh, trong khoảng thời gian 1777 – 1789 Nguyễn Ánh đã gửi nhiều quan chức trong các phái đoàn ngoại giao đến Campuchia, Xiêm, Ấn Độ, Pháp và Melaka. Các sứ thần được giao nhiệm vụ cố gắng thương lượng sự hỗ trợ trực tiếp từ người Hà Lan và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên họ chỉ thương lượng thành công một thỏa ước tương trợ với vua Louis XVI của Pháp, mặc dù thỏa ước này không được thực hiện” (Wilcox W. 2006, tr. 194-195).
Tình trạng này đã khiến người đọc không thể không đặt nghi vấn về những tài liệu đó, hoặc về khả năng có sự thổi phồng thông tin nhằm mục đích nào đó, chẳng hạn như ai đó muốn tạo áp lực để chính phủ Pháp can thiệp vào Đàng Trong. Ngoài ra cũng phải thận trọng với cách biên soạn tài liệu chủ yếu dựa trên việc sao chép các tác giả đi trước khiến thông tin sai có dịp được nhân rộng ra, một lề thói thường gặp ở nhiều nhà nghiên cứu thời ấy, và ngày nay nó vẫn còn khá phổ biến ở nhiều nước đang phát triển. Nhờ có việc số hóa văn bản mà hiện nay nhiều tài liệu hiếm đã được công bố trên mạng Internet, nên mọi người có thể tiếp cận dễ dàng hơn, giúp cho việc tìm hiểu những góc khuất lịch sử thuận tiện hơn.
2.1. Quan hệ giữa Bồ Đào Nha với Đàng Trong trước khi Tây Sơn nổi dậy
Người Bồ Đào Nha là cường quốc phương Tây đầu tiên có quan hệ thương mãi với Đàng Trong sớm nhất: chẳng bao lâu sau khi chúa Nguyễn lập căn cứ ở đất Quảng Nam, người ta đã thấy nhiều thương nhân Bồ Đào Nha xuất hiện ở Hội An và Đà Nẵng và đã thiết lập được mối quan hệ khá thân thiết với nhiều đời chúa Nguyễn. Quan hệ này đôi khi cũng có những lúc căng thẳng như trong các thập niên giữa thế kỷ XVIII, thậm chí bị gián đoạn vào những năm 1750 khi xảy ra sự kiện thương nhân người Pháp P. Poivre bắt cóc người phiên dịch An Nam, khiến chúa Nguyễn ban hành một loạt biện pháp cứng rắn đối với người phương Tây, trong đó có Bồ Đào Nha. Sau đó không thấy tài liệu nào nói đến việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ngoài chi tiết gián tiếp tiết lộ họ vẫn tiếp tục tới lui Đàng Trong: khoảng năm 1768-1769, các thương nhân Bồ Đào Nha vừa mới đi Đàng Trong về, cho biết là chúa Nguyễn đánh tiếng với viên toàn quyền Pháp tại Pondichéry tên là De Lauriston để nối lại việc buôn bán (Kennedy B. E. 1973, tr. 202). Trong một diễn biến khác, bức thư của nhà truyền giáo Jumilla đề ngày 9 tháng 8 năm 1774 gửi cha tỉnh dòng ở Philippines có đề cập đến sự hiện diện của người Bồ Đào Nha ở Đà Nẵng: “trong khi quân nổi dậy tháo chạy [tháng 5 năm 1774] thì có hai chiếc thuyền Macao cập bến Đà Nẵng, từ hai năm nay được phép vua Đàng Trong đến buôn bán” (Pérez L. 1940, tr. 81). Tuy nhiên, vì chiến tranh, họ chỉ mua được một ít ớt mà thôi. Họ tuyên bố rằng năm sau sẽ quay lại (Pérez L. 1940, tr. 82). Năm sau, khi đã chạy vào Đồng Nai, chúa Nguyễn Phước Thuần viết một bức thư đề ngày 11 tháng 6 năm 1775 gửi Nghị viện Macao, yêu cầu năm sau (1776) Macao gửi tàu thuyền đến Đồng Nai “để tiếp tục việc buôn bán đã có từ khi chúa còn ở kinh đô [Huế] với những miễn giảm và đặc quyền cũ”, không chỉ cho hai chiếc, mà “cho tất cả những ai muốn đến buôn bán ở đó [Đồng Nai]” (Manguin P.-Y. 1972, tr. 226). Điều đó có nghĩa là trước khi chạy vô Đồng Nai, chúa Nguyễn vẫn còn giao thương với người Bồ.
2.2. Bồ Đào Nha cung cấp phương tiện chiến tranh cho Nguyễn Ánh
Năm Mậu Tuất 1778, Nguyễn Ánh được quần thần suy tôn làm Đại nguyên soái kế nghiệp nhà Nguyễn lúc ông mới 16 tuổi, sau khi Duệ Tông và Tân Chính Dương bị quân Tây Sơn bắt giết (Quốc Sử Quán 2002, tr. 205). Qua thư từ của các nhà truyền giáo, người ta biết được rằng sau đó các thuyền buôn Bồ Đào Nha đã vào Gia Định cung cấp hàng hóa cho Nguyễn Ánh, mà chủ yếu là trang thiết bị quân sự.
2.2.1. Nối lại quan hệ Việt – Bồ
Đầu năm 1779, trên đường đi Campuchia, hai tàu buôn Macao chở hàng hóa cập bến cảng Bassac (Bãi Xào), trong đó có nhiều súng ống, đạn dược và trang thiết bị quân sự. Nhận được tin, Đỗ Thanh Nhơn(3) đề nghị hai tàu này cập cảng Đàng Trong để giao dịch; theo lời Bá Đa Lộc, việc mua bán vũ khí đã hoàn tất, và người Bồ Đào Nha tỏ vẻ hài lòng. Tuy nhiên, sự giao dịch này cũng chỉ là quan hệ giữa kẻ mua người bán giữa những người quen biết cũ, dù là buôn bán súng đạn, chứ không nằm trong khuôn khổ của một liên minh chính trị – quân sự đúng nghĩa.
Một năm sau đó, chính quyền Bồ Đào Nha ở Macao tìm cách tiếp cận với Nguyễn Ánh để xây dựng liên minh quân sự cấp nhà nước: theo lời Bá Đa Lộc, tháng 4 năm 1780, ông nhận được thư của toàn quyền Macao nhờ ông thuyết phục Nguyễn Ánh viết một bức thư gửi toàn quyền Goa hứa hẹn nhiều điều kiện có lợi cho tàu thuyền Macao đến mua bán với Đàng Trong, và ngược lại, ông sẽ đảm trách việc cung cấp cho nhà vua tất cả những chi viện cần thiết cho việc đưa ông trở lại ngai vàng (Launay A. 1925, tr. 154-155). Tuy nhiên, theo giải thích của Bá Đa Lộc, vì ông nhận thư lúc đang lánh nạn ở Campuchia nên không thể đáp ứng yêu cầu của toàn quyền Macao, và do đó kế hoạch này không thực hiện được.
2.2.2. Liên quân ngắn ngủi Việt – Bồ
Sự cộng tác trực tiếp đầu tiên của người Bồ Đào Nha với chúa Nguyễn trong lĩnh vực quân sự diễn ra vào năm 1781, khi một kế hoạch tấn công Tây Sơn bằng đường biển được phát động với sự tham dự của một số thuyền buôn Bồ Đào Nha được trang bị vũ khí. Liên quan đến trận đánh này, Đại Nam Thực lục đã viết như sau:
“Mùa hạ, tháng 5 [Tân Sửu, 1781], vua sai điểm duyệt số quân các dinh thủy bộ ở trong ngoài, không dưới 3 vạn người, thuyền đi biển 80 chiếc, thuyền chiến lớn 3 chiếc, tàu tây 2 chiếc, bàn cử đại binh đánh giặc Tây Sơn. […] Thủy binh giặc ít không dám ra đánh giặc bèn đem bộ binh bày trận, voi chiến rất nhiều” (Quốc sử quán 2002, tr. 210).
Về sự kiện này, khi tham khảo Đại Nam thực lục, Ch.-B. Maybon đã vô tư dịch chữ “tàu tây 2 chiếc” thành “deux navires français” (Maybon Ch.-B. 1919, tr. 198), tức “hai chiếc tàu Pháp”, mà không cho biết lai lịch của hai chiếc tàu ấy. Phải chăng Maybon không hiểu rằng chữ “tây” thời ấy có nghĩa là “tây dương”, là “phương Tây”, và mãi sau này nó mới có nghĩa là “Pháp”? Hay là vì sử gia này muốn tô đậm sự hiện diện của người Pháp trong cuộc chiến đấu của Nguyễn Ánh, nên đã cố tình chọn nghĩa phái sinh của từ này? Cần nhớ rằng năm 1780, lực lượng tàu thuyền của người Pháp gần như sạch bóng ở vùng biển Đông Ấn và Viễn Đông, vì sau khi Pondichéry đầu hàng người Anh ngày 17 tháng 10 năm 1778, người Pháp phải rút về vùng biển đảo Ile-de-France, nay là đảo Maurice. Vậy “hai chiếc tàu tây” đó là của nước nào?
Nhà nghiên cứu người Tây Ban Nha L. Pérez cho biết “người Bồ Đào Nha ở Macao đã đặt dưới quyền sử dụng của nhà vua ba chiếc tàu hàng nhỏ, để truy đuổi tận sào huyệt quân Tây Sơn và những kẻ thù khác” (Pérez L. 1940, tr. 88). Sử gia L. Pérez cho biết thêm nhiều chi tiết về trận ra quân này:
“Tiếng đồn chẳng mấy chốc lan ra khắp các tỉnh dưới quyền kiểm soát của quân Tây Sơn, là người Olanes(4), tức là người châu Âu, đã giúp nhiều tàu thuyền cho nhà vua. Hạm đội của nhà vua đang tiến sát vào bờ biển những nơi quân Tây Sơn chiếm giữ. Khi trông thấy chiếc tàu do người Pháp chỉ huy, mà người ta đồn rằng do Oung-Ca (Ông Cả, tức vị đại diện tông tòa) [giám mục Bá Đa Lộc] chế tạo, có thể di chuyển dưới mặt nước(5), thì quân nổi loạn đã khiếp vía đến độ họ bỏ trốn một cách hèn nhát, bỏ lại cho nhà vua ba tỉnh trọn vẹn. Trận mở đầu thắng lợi này đã được tổ chức ăn mừng rình rang ở Bến Nghé” (Pérez L. 1940, tr. 88).
Trong thư đề ngày 5 tháng 12 năm 1783 viết từ Bangkok gửi Descourvières, Bá Đa Lộc cũng xác định rằng người Bồ Đào Nha ở Macao đã góp mặt trong chiến dịch quân sự đầu tiên này bằng 3 chiếc tàu (Launay A. 1925, tr. 76). Vậy là có đến ba chiếc “tàu Tây” chớ không phải hai như Quốc Sử Quán đã viết.
Liên quan đến ba chiếc tàu Bồ Đào Nha tham chiến, gần đây, nhà nghiên cứu người Pháp F. Mantienne đã cho rằng chính giám mục Bá Đa Lộc đã thuyết phục Nguyễn Ánh thuê tàu Bồ Đào Nha được thiết kế theo kiểu châu Âu, cùng với thủy thủ đoàn và súng ống của họ (Maintienne F. 2003 tr. 530). Tuy nhiên, tác giả cũng không đưa ra chứng cứ nào về việc giám mục Bá Đa Lộc đã thuyết phục Nguyễn Ánh “thuê tàu Bồ Đào Nha được thiết kế theo kiểu châu Âu”, và chúng tôi cũng không thấy tài liệu nào đáng tin cậy nói về lý do của sự tham dự của tàu buôn Bồ Đào Nha: có vẻ như F. Mantienne dựa trên tâm lý sợ sệt của quân nổi dậy như L. Pérez đã nói bên trên rồi suy luận ra như thế, dù rằng suy luận này cũng phù hợp.
Thế nhưng điều đáng nói hơn cả là chiến dịch này lại dẫn tới một bi kịch, mà Quốc Sử Quán không nhắc tới: giữa đường hành quân, hai chiếc bỏ trốn mang theo toàn bộ binh lính, quân nhu và vũ khí chạy về Macao. Bá Đa Lộc cho biết: “Sau khi ba chiếc tàu Bồ Đào Nha tự nguyện tham gia vào việc cứu giúp nhà vua chống lại quân nổi loạn, lúc ấy tôi đang đi Campuchia để thăm con chiên, thì ngay tức thì được tin hai chiếc tàu bỏ trốn” (Launay A. 1925, tr. 76).
Bá Đa Lộc không cho biết nguyên nhân của vụ đào ngũ này, mà chỉ nhắc lại lời của một vị quan triều đình nào đó tâu bẩm với nhà vua mà ông nghe được, như thể để cho người đọc hiểu rằng đó chính là nguyên nhân của vụ đào tẩu. Trong thư gửi linh mục Descourvières từ Bangkok ngày 5 tháng 12 năm 1783, ông thuật lại lời trình tấu của vị quan triều đình ấy như sau:
“Chẳng lẽ trước đây chúng ta [triều đình] đã không từng nói rằng những người Tây dương này [người Bồ Đào Nha trên hai thuyền bỏ trốn] là những kẻ lừa đảo và không giữ lời hay sao? Sau khi nhận được nhiều ân huệ của đức vua, họ lại phản trắc không chỉ không giữ lời với vua, mà lại còn đào tẩu với vũ khí, đạn dược, lương thực và binh sĩ của ngài. Quân đội này được xây dựng với biết bao phí tổn bây giờ lại trở nên vô dụng do cuộc đào tẩu của những kẻ đê tiện này, và có lẽ sẽ dẫn đến việc mất luôn cả vương quốc” (Launay A. 1925, tr. 77).
Về sự kiện này, Quốc Sử Quán cũng như ghi chép của các nhà truyền giáo của Hội Truyền giáo ở Paris hay các sách sử của Pháp không hề nhắc đến, trong khi các nhà truyền giáo dòng Phan Sinh người Tây Ban Nha cung cấp cho người đọc nhiều chi tiết mà Bá Đa Lộc đã lược bỏ. Dựa trên thư từ của nhà truyền giáo Tây Ban Nha Emmanuel Castuera đã cùng với Fernand de Olmedilla vào Gia Định ngày 13 tháng 1 năm 1782, và lúc ấy đang có mặt tại giáo xứ Chợ Quán, nhà nghiên cứu L. Pérez cho biết nhiều chi tiết về mầm mống của cuộc đào ngũ này như sau:
“Sau vụ bất hòa với một người Pháp tên là Manuel, người tự xưng là chỉ huy hạm đội, hai chiếc tàu lúc ra khơi chuẩn bị tấn công kẻ thù thì lại bỏ chạy về Macao, mang theo đội pháo binh, thủy thủ đoàn và binh lính Đàng Trong. Chỉ còn lại một chiếc cùng thuyền trưởng và các sĩ quan người Bồ Đào Nha, dưới sự chỉ huy của Manuel” (Pérez L. 1940, tr. 88).
Chúng ta dễ dàng nhận ra “Manuel” chính là “Màn Hòe” hay “Man Hòe” đã được nhắc đến trong Đại Nam Thực lục (2002) và trong Gia Định Thành Thông chí. Như đã biết, Manuel, hay Màn Hòe, được Bá Đa Lộc giới thiệu với Nguyễn Ánh và được “vua trao cho chức Khâm sai cai cơ, coi đội Trung Khuông” (Quốc Sử Quán 2002, tr. 211-212), chớ không phải ông ta tự ý nhận bừa. Qua chi tiết này, chúng ta thấy giữa người Pháp và người Bồ Đào Nha luôn có những ngờ vực lẫn nhau, tố cáo nhau, thậm chí có thể sát hại lẫn nhau như sẽ thấy ở phần sau. Nhưng cũng không nên quên nhận xét rất sớm của linh mục Descourvières về Manuel trong thư viết cho Davoust ngày 3 tháng 1 năm 1780: “E là loại người này có thể gây ra nhiều điều xấu hơn là điều tốt cho công cuộc truyền giáo” (Taboulet G. 1940, tr. 56).
2.2.3. Xung đột lính tình nguyện Bồ – Pháp
Chiếc tàu Bồ Đào Nha thứ ba không gặp sức kháng cự nào của Tây Sơn, và trở về căn cứ an toàn. Sau các cuộc mừng chiến thắng linh đình, thì thuyền trưởng và phần lớn thủy thủ đoàn của tàu này chịu số phận bi thảm. Trong thư viết từ Campuchia ngày 24 tháng 7 năm 1782, Bá Đa Lộc cho linh mục Descourvières biết về vụ đào tẩu của hai chiếc tàu Macao và diễn tiến tiếp theo đã xảy ra vào tháng 9 năm 1781:
“Từ các lá thư tôi viết từ năm trước đến nay, trong vương quốc này xảy ra rất nhiều chuyện bi thảm. Cha đã biết vụ hai chiếc tàu Macao bỏ trốn mang theo binh lính, vũ khí, trang thiết bị chiến tranh và quân lương của nhà vua. Nhưng vụ việc không dừng lại ở đó; chiếc tàu thứ ba mà quân đội của nhà vua đã theo sát lại là nạn nhân của vụ ấy. Viên thuyền trưởng và cả thủy thủ đoàn, trừ 7 hay 8 người, đã bị các tướng lĩnh sát hại lúc nhà vua không có mặt. Điều đó đã làm chúng tôi muối mặt, và trong mọi hoàn cảnh khác đều không thể tránh khỏi kích động một cuộc bắt đạo. Vụ ấy xảy ra vào tháng 9 năm vừa rồi [1781] (Launay A. 1925, tr. 76).
Hơn một năm sau, trong thư gửi linh mục Descourvière đề ngày 5 tháng 12 năm 1783, Bá Đa Lộc tiếp tục viết về vụ thảm sát người Bồ Đào Nha vào tháng 9 năm 1781, có lẽ là vì ông được yêu cầu cung cấp thêm nhiều chi tiết hơn, vì vụ việc có liên quan đến người Bồ Đào Nha, là nước rất hậm hực với người Pháp và Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Paris từ hơn 100 năm trước. Ông cho biết đầu đuôi câu chuyện, và nhấn mạnh sự vô can của Nguyễn Ánh:
“Sau khi ba chiếc tàu Bồ Đào Nha tự nguyện tham gia vào việc cứu giúp nhà vua chống lại quân nổi loạn, lúc ấy tôi đang đi Campuchia để thăm con chiên, thì ngay tức thì được tin hai chiếc tàu bỏ trốn, và bất hạnh đã ập đến chiếc thứ ba, là chiếc đã giữ lời hứa. Nhà vua không hề can dự vào vụ thảm sát do các tướng lĩnh của ông gây ra, mặc dù phẫn nộ ngút ngàn về hạnh kiểm của những kẻ đào tẩu, ông lấy làm đau buồn tột độ cho người thuyền trưởng Bồ Đào Nha bất hạnh Antoine Rodriguez mà ông quý mến thực sự, đã bị sát hại cùng với phần lớn thủy thủ đoàn. Vì không biết xử lý thế nào, vua cho người triệu hồi tôi về, và sau khi thăm con chiên xong, tôi buộc phải quay về Đàng Trong để chính tai tôi được nghe những gì mà người ta đã thuật lại cho tôi ở Campuchia, mà tôi khó lòng mà tin được” (Launay A. 1925, tr. 77).
Nhưng ai đã sát hại viên thuyền trưởng Bồ Đào Nha? Tại sao ông ta bị sát hại? Quốc sử quán không nói gì về lai lịch con thuyền này cũng như số phận của thủy thủ đoàn của nó. L. Pérez cung cấp cho người đọc khá nhiều chi tiết có thể làm sáng tỏ vụ thảm sát mà nhiều sách sử không nói đến. Những chi tiết này giúp người đọc có thể chấp nối nhiều sự kiện lịch sử với nhau, trong đó có vụ xung đột giữa thương nhân người Bồ Đào Nha và Manuel, tức Man Hòe hay Màn Hòe trong sách Việt, xảy ra vào tháng 9 năm 1781:
“Sự xung khắc giữa viên thuyền trưởng người Bồ Đào Nha của thuyền này và Manuel dẫn đến những hậu quả trầm trọng. Viên chỉ huy người Pháp đã âm mưu sát hại viên thuyền trưởng Bồ Đào Nha và thuộc hạ của ông ta. Để thực hiện kế hoạch này, Manuel đã nghĩ ra một cái bẫy thực sự. Ông ta đã mời viên thuyền trưởng ăn tối cùng với một vị quan tháp tùng; sau khi đã chuốc rượu họ, Manuel cho người thông báo là Đại nguyên soái cho gọi viên thuyền trưởng. Mặc dù đã chếnh choáng, nhưng viên thuyền trưởng vẫn tuân lệnh. Đến trước mặt Đại nguyên soái, ông ta ngồi phịch xuống ghế và ngoẽo đầu ngủ thiếp đi. Một trong số kẻ thù của ông ta theo lời căn dặn của Manuel lợi dụng cơ hội này liền cắt cổ viên thuyền trưởng. Còn những người Bồ Đào Nha khác cũng bị lính Đàng Trong theo lệnh của Manuel cắt cổ tất cả, lúc họ đi nghỉ. Họ giết tất cả 27 người Bồ Đào Nha; chỉ có vài thủy thủ nhảy xuống sông bơi vào bờ trốn thoát” (Pérez L. 1940, tr. 88).
Liệu những chi tiết trên đây đúng sai đến mức độ nào? Chúng ta không thể xác minh từng chi tiết một, vì có quá ít ghi chép của người trong cuộc; tuy nhiên, dễ nhận ra rằng trong tài liệu của L. Pérez có nhiều chi tiết trùng khớp với báo cáo của Bá Đa Lộc. Được biết là L. Pérez đã dựa theo thư từ của hai nhà truyền giáo dòng Phan Sinh tên là Emmanuel Castuera và Santiago Ginestar (lần lượt đến họ đạo Chợ Quán năm 1780 và 1782). Sau trận thất bại năm 1782 trước quân Tây Sơn, hai người này chạy sang Campuchia lánh nạn cùng với Bá Đa Lộc, và cùng lưu lạc ra các đảo ở Vịnh Xiêm La, mà phần sau chúng ta sẽ có dịp gặp lại.
Một chi tiết khác có thể có ý nghĩa trong việc tìm hiểu xung đột giữa các tình nguyện viên Bồ Đào Nha và Manuel: có lẽ Manuel không có năng lực chỉ huy hạm thuyền mà lại được Nguyễn Ánh giao chức vụ quá cao, khiến người Bồ Đào Nha không phục, và không tuân theo mệnh lệnh của Manuel. Sử Ký cung cấp cho ta lai lịch khá cụ thể về con đường tiến thân của Manuel:
“Nguyên ông Ma-no-e ấy chẳng phải là quan, cùng chẳng phải là người có danh tiếng gì bên phương tây. Ông ấy ở một quê cùng Đức-Thầy Vê-rô mà đã sang Ma-cao cho được buôn bán, thì làm bạn tàu mà thôi. Đến sau, người xuống tàu Bút-tu-ghê mà sang nước Cao-mên; mà bỡi đã biết Đức-Thầy Vê-rô khi trước, thì xin ở lại làm đày tớ giúp người. Vậy ông ấy làm mọi việc trong nhà Đức Thầy như nấu ăn, may vá quần áo vân vân” (Khuyết danh 1885, tr. 34-35).
Cả Trịnh Hoài Đức lẫn Quốc Sử Quán không hề cho biết chiếc “tàu Tây dương của Mạn-Hòe” mà quân Nguyễn Ánh có được là từ đâu, và bằng cách nào; nhưng chắc chắn không phải là do Mạn-Hòe mang đến, vì trước đó anh ta chỉ là một “bạn tàu”, hay một thủy thủ trên một chiếc thuyền Bồ Đào Nha đến Campuchia (Bouillevaux E. 1874, tr. 381). Từ các thông tin nói trên, chúng ta chấp nối các chi tiết và có thể rút ra kết luận khả dĩ là chiếc tàu mà Màn Hòe chỉ huy năm 1782 và đã bị quân Tây Sơn đánh bại chính là một trong ba chiếc thuyền buôn của Bồ Đào Nha còn ở lại với lực lượng của Nguyễn Ánh, sau khi phần lớn thủy thủ đoàn đã bị sát hại năm 1781.
2.2.4. Tàu Bồ Đào Nha với chỉ huy người Pháp bị Tây Sơn đánh tan
Sau thảm kịch nội bộ đó, quân của nhà vua lại nếm mùi thất bại nặng nề trong trận thủy chiến Ngã Bảy Cần Giờ, mở đầu cho chuỗi ngày lận đận bôn ba khắp đồng bằng sông Cửu Long và các quần đảo trong vịnh Thái Lan, kể cả phải trốn sang Bangkok. Quốc sử quán triều Nguyễn chỉ ghi lại vài dòng về những gì đã xảy ra vào đầu năm 1782 như sau:
“Tháng 3 [Nhâm dần, 1782], giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ vào đánh phá. Văn Nhạc nghe tin Đỗ Thanh Nhơn đã bị giết, mừng nói: ‘Thanh Nhân chết rồi, các tướng khác không đủ sợ nữa!’ Bèn đem chiến thuyền vài trăm chiếc, cử đại binh vào đánh. Quân Tây Sơn đến cửa biển Cần Giờ. Vua sai Tống Phước Thiêm điều bát trận thủy binh ở Ngã bảy [Thất kỳ giang]. Giặc nhân gió mạnh xông thẳng tới. Quân ta phải lùi. Một mình Cai cơ là Màn Hòe đi tàu tây cố sức đánh rất lâu. Giặc đổ quân bao vây bốn mặt, ném hỏa khí đốt tàu, Màn Hòe bị chết” (Quốc Sử Quán 2002, tr. 211-212).
Như đã nói bên trên, chiến tàu Tây đó chính là chiếc tàu Bồ Đào Nha thứ ba còn ở lại sau khi hai chiếc kia đã đào ngũ. Sau khi thuyền trưởng và thủy thủ đoàn bị thảm sát, Manuel trở thành thuyền trưởng và một năm sau có dịp đọ sức với quân Tây Sơn. Về diễn tiến trận đụng độ này, nhà truyền giáo dòng Phan Sinh Ginestar kể lại trong thư đề năm 1784 gửi cha tỉnh dòng ở Philippines như sau:
“Nhà vua chờ quân địch với hơn 400 thuyền nhiều chèo (galère), 70 thuyền mành Trung Hoa và chiếc của thuyền trưởng Bồ Đào Nha mà người Đàng Trong đã cướp được khi hạ sát viên thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, như tôi đã tường trình trong các thư trước. Ban đầu quân địch chạm trán với cánh quân gồm các thuyền nhiều chèo do nhà vua dẫn đầu, nhưng viên tướng chỉ huy hạm đội bỏ rơi nhà vua ngay trong trận chiến, và chạy ra biển cùng với phần lớn thuyền bè. Nhà vua buộc phải rút lui về phía thượng nguồn con sông trên chiếc thuyền Bồ Đào Nha cho đến một nơi nằm giữa đường về thành phố. Kẻ thù đuổi theo ông và hai lần cố tràn sang mạn thuyền nhưng không thành công, vì viên chỉ huy người Pháp [Manuel] đã nghiền nát bọn họ bằng thủ pháo. Không nản lòng, quân Tây Sơn xung phong lần thứ ba với lực lượng lớn hơn. Lúc ấy, chỉ huy người Pháp đột ngột bị quân lính bỏ rơi, anh ta không có cơ hội nhảy xuống sông chạy trốn như binh sĩ của anh ta, anh ta sẽ phải trả giá về những lỗi lầm của mình ở bên kia thế giới. Quân địch nhờ ở lòng can đảm đã giành được chiến thắng, nhưng phải mất rất nhiều nhân mạng (Pérez L. 1940, tr. 89).
(còn tiếp)
Bài đã được đăng trên tạp chí Xưa & Nay số tháng 4 năm 2025)
Tài liệu tham khảo và trích dẫn
Bouillevaux C.E. 1874. L’Annam et le Cambodge Voyages et notices historiques. Paris: Victor Palmé Libraire-Editeur.
Cao Xuân Dục chủ biên, 1998. Quốc triều chính biên toát yếu, Tập 1. Huế: Nxb Thuận Hóa.
Douhaire P., 1857. Les droits et les devoirs de la France en Cochinchine. Tạp chí Le correspondant, số 6 (Bộ mới). Paris.
Faure A. 1891. Mgr Pigneau de Behaine, Evêque d’Adran. Paris: Augustin Challamel Editeur.
Kennedy B. E. 1973. Anglo-French Rivalry in Southeast Asia 1763–93: Some Repercussions. Tạp chí Journal of Southeast Asian Studies, V. 4, Iss. 2.
Khuyết danh, 1885. Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều. Sài Gòn: Imprimerie de la Mission.
Launay A. 1925. Histoire de la mission de Cochinchine, Vol. III. Paris: Librairie Orientale et Américaine, Maisonneuve Frères Editeurs.
Louvet A. 1900. Mgr d’Adran: Missionnaire et patriote. Paris: Librairie Delhomme et Brigue.
Manguin P.-Y. 1972. Les Portugais sur les côtes du Viet-Nam et du Campā. Paris: Ecole franҫaise d’Extrême-Orient.
Mantienne F. (2003). The Transfer of Western Military Technology to Vietnam in the Late Eighteenth and Early Nineteenth Centuries: The Case of the Nguyên. Tạp chí Journal of Southeast Asian Studies, Vol. 34, Isssue 03.
Maybon Ch.-B. 1919. Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820). Paris: Librairie Plon.
Pérez L. 1940. La révolte et la guerre de Tây-Sơn d’après les franciscains espagnols de Cochinchine. Tạp chí Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, số XV, 1940.
Pigneau de Béhaine, 1787. Extrait d’une lettre de Mgr l’évêque d’Adran, vicaire apoſtolique de Cochinchine. Trong Nouvelles des missions orientales, Phần 1. Amsterdam.
Quốc Sử Quán, 1993. Đại Nam Chính biên Liệt truyện sơ tập (quyển đầu – quyển 33). Huế: Nxb Thuận Hóa.
Quốc Sử Quán, 2002. Đại Nam Thực lục, tập 1. Hà Nội: Nxb Giáo dục.
Société de gens de lettres et de savants 1823. Biographie universelle, ancienne et moderne, Tome 34. Paris: Chez L. G. Michaud Libraire & Editeur.
Tạ Chí Đại Trường 1973. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam. Sài Gòn: Nxb Văn Sử học.
Taboulet G. 1940. Sur le matelot Manuel mort au champ d’honneur en combattant pour Gia-Long. Tạp chí Bulletin de la Société des Etudes indochinoises, số XV năm 1940.
Thụy Khuê 2017. Vua Gia Long và người Pháp. Nxb Hồng Đức (bản pdf).
Wilcox W. 2006. Transnationalism and Multiethnicity in the Early Nguyễn Ánh Gia Long Period. Trong Nhung Tuyet Tran & Anthony J. S. Reid (Eds). Việt Nam Borderless Histories. Wisconsin: The University of Wisconsin Press.
(1) Chẳng hạn khi nói về việc giao hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc, ngoài việc không xác định được địa điểm chính xác, Quốc Sử Quán còn tỏ ra “tiền hậu bất nhất”: đầu tiên, ĐNTL viết: “tháng 7 [năm Quý Mão, 1783], Vua nghe tin Bá Đa Lộc ở Chan Bôn (đất Xiêm) sai người đến mời […] Bá Đa Lộc lạy xin vâng mệnh. Vua và phi cầm nước mắt đưa con” (2002, tr. 218). Sau đó lại viết: “[tháng 12 năm Giáp thìn 1784] Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm cùng Bá Đa Lộc đem hoàng cả Cảnh sang Tây” (2002, tr. 223). Hoặc khi nói về việc hai nhà truyền giáo người Tây Ban Nha “vượt biển sang Lã Tống cầu giúp binh”, Quốc Sử Quán cho rằng họ đã bị quân Tây Sơn sát hại trên đường đi (1993, tr. 477) trong khi nhiều thư từ của nhân chứng cho thấy chắc chắn rằng Tây Sơn bắt họ nhưng không giết (xem chi tiết ở phần sau).
(2) A. Louvet đã nhầm: người Bồ Đào Nha không còn giữ quyền kiểm soát Malacca từ năm 1641, vì người Hà Lan đã chiếm giữ nơi này cho đến năm 1824 thì qua tay người Anh.
(3) Thụy Khuê (2017) suy luận rằng chữ “le grand mandarin” mà Bá Đa Lộc viết trong thư “chỉ có thể là Mạc Thiên Tứ (1718-1780” và chữ “ici” (ở đây) là Hà Tiên, “vì Hà Tiên ở trên đường biển từ Macao đến Cao Mên và ở cạnh Cà Mâu”, mà không hề biết rằng năm 1777 Mạc Thiên Tứ đã chạy ra các đảo trong vịnh Xiêm La và năm 1778 bị cầm chân ở Bangkok đến chết, cũng như không biết rằng từ khi dời chủng viện về Tân Triều năm 1778 Bá Đa Lộc có mối quan hệ thân thiện với Đỗ Thanh Nhơn và nhiều quan trong triều, và rằng cảng Bãi Xào (Sóc Trăng) vào những năm 1760s và 1770s là cảng có nhiều tàu bè đến từ Macao, Quảng Đông,… như ghi nhận của nhà truyền giáo Levavasseur và nhà ngoại giao người Anh Charles Chapman (1778). Chính từ sự thiếu thông tin này đã khiến Thụy Khuê có nhiều suy luận chủ quan.
(4) Đây chỉ là một từ ghi lại cách phát âm của người Việt, có lẽ là một dị bản của từ Hoa Lang, như trong Hoa lang đạo, Hoa lang quốc. Nhiều tài liệu cho rằng đó là phiên âm từ chữ Hollande (Hà Lan), tuy nhiên có nhiều bằng chứng cho thấy là giả thuyết này không đúng.
(5) Bản tiếng Pháp viết là: “…qu’il naviguait sous l’eau”. Tạ Chí Đại Trường dịch là “chạy không cần nước”, có lẽ ông đã nhầm chữ “sous” thành “sans” trong sổ tay ghi chép. Đó chỉ là lời đồn mà khi kể lại, sử gia L. Perez đã thận trọng dùng những từ báo hiệu câu trần thuật (“le bruit”: tiếng đồn, “disait-on”: người ta đồn rằng). Thế nhưng Tạ Chí Đại Trường lại viết là lời huênh hoang của nhà truyền giáo Castuera (Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 108), một nhận định vừa không đúng thực tế lại vừa không phù hợp với văn phong khoa học.
Bình Luận Bài Viết