Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi có vị trí cảnh quan đẹp, đúng thế đất phong thủy của người xưa “đầu gối sơn, chân đạp thủy”, là ngôi chùa rất nổi tiếng của Việt Nam, mang giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc tiêu biểu, đặc sắc. Tương tuyền chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng vào thời Lý (thế kỷ XI), được tôn tạo và trở lên nổi tiếng vào thế kỷ XIII gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, gắn với thân thế và sự nghiệp của ba vị Tam tổ Trúc Lâm là Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, những anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu nổi tiếng trong lịch sử.
Chùa Vĩnh Nghiêm là công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt, đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc nghệ thuật Việt Nam. Hệ thống tượng Phật chùa Vĩnh Nghiêm đều là những tác phẩm điêu khắc độc đáo của kho tàng tượng Phật Việt Nam. Đặc biệt, Chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ 3.035 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Năm 2012, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Sau lễ đón nhận bằng là chương trình nghệ thuật “Vĩnh Nghiêm- Linh thiêng cõi phật” do các nhà sư, đạo diễn, diễn viên, ca sĩ dàn dựng và thể hiện. Chương trình nêu bật giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và ý nghĩa của thiền phái Trúc Lâm, trong đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông và đại thiền sư Pháp Loa có vị trí độc tôn và vai trò đặc biệt với sự hình thành, phát triển chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Chương trình bao gồm 6 phân đoạn gồm: Phần mở mùa xuân khải hoàn- Hoàng thái tử Trần Khâm ra đời; duyên phận; Trần Nhân Tông hai lần đánh thắng quân Nguyên- Mông; Trần Nhân Tông truyền ngôi cho thái tử và xuất gia ở Vũ Lâm, Yên Tử; Non thiêng Yên Tử và Người về đất Phật. Cùng đó là các tiết mục Sen hồng hư không và khai hội chùa Vĩnh Nghiêm.
Việc vinh danh Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm là Di tích quốc gia đặc biệt sẽ góp phần quảng bá giá trị của di tích chùa Vĩnh Nghiêm nói riêng và mảnh đất, con người Bắc Giang nói chung, đồng thời bổ sung tư liệu cho Hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là Di sản thế giới.
Bình Luận Bài Viết